Nhà máy quang điện Huadian Tianjin Haijing là sự kết hợp giữa trạm điện, trang trại muối và khu nuôi tôm.
Nhà máy này của Trung Quốc có khả năng đáp ứng nhu cầu điện của 1,5 triệu hộ gia đình, ngoài ra trang trại còn kết hợp cả sản xuất muối và nuôi tôm.
Nhà máy kết hợp giữa điện mặt trời và trang trại muối lớn nhất thế giới đã chính thức được kết nối vào mạng lưới điện của Trung Quốc. Nhà máy này có khả năng đáp ứng nhu cầu điện của 1,5 triệu hộ gia đình, theo công ty vận hành.
China Huadian Corporation, tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước, cho biết nhà máy điện Huadian Tianjin Haijing đã được kết nối với lưới điện ở thành phố phía bắc Thiên Tân vào ngày 8/7 vừa qua. Trạm này bao gồm rất nhiều tấm pin mặt trời được lắp đặt trên cánh đồng muối Changlu, một trong những trang trại muối ven biển lâu đời nhất Trung Quốc.
Cụ thể, diện tích của toàn bộ trạm là khoảng 1.333 ha, tương đương hơn 1.800 sân bóng đá.
Theo công ty vận hành, hệ thống này là sự kết hợp “quang- muối”, tạo ra cả điện và muối. Ngoài ra, trạm này cũng sử dụng các tấm pin mặt trời 2 mặt. Cả 2 mặt của tấm pin đều có thể sản xuất điện. Mặt trên có thể trực tiếp hấp thụ ánh sáng mặt trời để biến đổi điện, còn mặt dưới hấp thụ ánh sáng được phản chiếu bởi mặt nước, góp phần tăng hiệu suất sản xuất điện thêm 5-7%.
China Huadian cho biết, trạm có công suất lắp đặt là 1 gigawatt và sẽ tạo ra 1,5 tỷ kWh điện/năm. Hơn nữa, điện “xanh” được tạo ra từ trạm sẽ giúp giảm lượng khí thải carbon mà không làm ảnh hưởng đến môi trường của các cánh đồng muối.
Trạm quang điện Huadian Tianjin Haijing lắp đặt khoảng cách giữa các tấm pin mặt trời là 14 m, gần gấp đôi khoảng cách so với các trạm khác. Hơn nữa, các tấm pin cũng được đặt ở độ dốc được thiết kế chính xác là 17 độ, trong khi độ nghiêng của hầu hết các nhà máy quang điện khác là khoảng 30 hoặc 40 độ. Cả hai cách lắp đặt này đều nhằm giảm thiểu việc các tấm pin chắn bề nước, có thể ảnh hưởng đến sản xuất muối.
Các cánh đồng muối còn được sử dụng để nuôi tôm, một hoạt động nuôi trồng thuỷ sản được kết hợp với cả dự án năng lượng mặt trời.
Giám đốc dự án, Yang Fan, cho biết, cơ sở này là “mô hình công nghiệp tổng hợp mới về hoạt động vận hành trạm quang điện nổi, sản xuất muối và nuôi trồng thuỷ sản.”
Trong khi đó, Tân Hoa Xã cho biết, sản lượng hàng năm của một trang trại nuôi tôm ở thành phố Tân Châu, tỉnh Sơn Đông, đã tăng lên sau khi một dự án năng lượng mặt trời cũng được xây dựng trên trang trạng. Cụ thể, sản lượng tăng lên nhờ các tấm pin mặt trời che nắng cho ao nuôi tôm, làm giảm nhiệt độ dưới nước từ 1-2 độ C.
Chủ tịch China Huadian, Jiang Yi, cho hay, dự án đã tăng công suất lắp đặt của công ty lên hơn 200 GW. Ông nói thêm, công ty đang vận hành các dự án có “quy mô gigawatt” khác, bao gồm 1 nhà máy quang-thuỷ điện với mục tiêu sản xuất 600 m3 hydrogen/giờ.
Trong khi đó, Cơ quan Quản lý Năng lượng Quốc gia Trung Quốc đặt mục tiêu công suất điện mặt trời được lắp đặt trên cả nước đạt 490 GW vào cuối năm. Theo Cơ quan Điện lực Trung Quốc, công suất của các nhà máy điện mặt trời đã đạt 430 GW tính từ khi vận hành vào tháng 3.
Nguồn: cafef.vn